Với một tập thể tinh gọn, đoàn kết và chuyên nghiệp. Những chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ đã làm chủ công nghệ, tự tin vận hành Nhà máy Thủy điện Hủa Na an toàn, hiệu quả trong suốt thời gian qua.
Bước chân đến Nhà máy Thủy điện Hủa Na, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đúng vào lúc nhà máy đang bận rộn tiến hành công tác tiểu tu, bảo dưỡng lần đầu sau hơn 1 năm đi vào hoạt động. Quân số lao động tại nhà máy thời điểm này có lẽ là đông nhất (hơn 100 người), vì thông thường Nhà máy Thủy điện Hủa Na được áp dụng tự động hóa, trang thiết bị hiện đại. Cả bộ phận vận hành, sửa chữa trong, ngoài nhà máy cũng chỉ khoảng năm chục người, chia đều thành 3 ca, 6 kíp làm việc.
Theo chân Phó phòng Kỹ thuật Bùi Xuân Hòa vào thăm phòng điều khiển trung tâm, nơi được coi là "trái tim" của nhà máy công suất 180MW, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước không gian yên tĩnh, máy chạy êm ru, giữa phòng là 1 màn hình hơn 100 inch hiện lên hàng loạt sơ đồ mạch và các nút nhỏ, chiếc xanh chiếc đỏ, chiếc vàng. Thỉnh thoảng lại thấy mấy anh kỹ sư trẻ nói chuyện với nhau qua bộ đàm bằng giọng dứt khoát, rõ ràng. Sau đó tự tin thao tác trên máy tính cứ thoăn thoắt.
Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy Thủy điện Hủa Na
Trưởng ca trực Đặng Thanh Hưng, 31 tuổi, quê ở Nghệ An ngồi trước màn hình máy tính chi chít sơ đồ, thông tin với tôi, hiện nay nhà máy đang cho phát điện tổ máy số 2, còn tổ máy số 1 đang trong thời gian tiểu tu. "Tính đến 27-4, sản lượng điện đạt trên 181 triệu kWh, vượt 28 % theo kế hoạch cả năm. Nhìn chung hơn 1 năm qua, cùng với sự phối hợp của Trung tâm Điều độ hệ thống điện chúng em đã vận hành nhà máy an toàn và hiệu quả", Hưng cho biết.
Cùng với đội kỹ sư làm việc tại nhà máy, anh Lê Trọng Thủy, quê Nghệ An, cũng là một kỹ sư trẻ được nhiều cán bộ đánh giá cao. Anh kể, đội ngũ kỹ sư vận hành tại Hủa Na được đào tạo khá chuyên nghiệp và bài bản. Tháng 2-2011, 50 cán bộ vận hành, sửa chữa của nhà máy được lãnh đạo cho đi tập huấn, đào tạo 18 tháng tại Thủy điện Hòa Bình nên chúng tôi có môi trường lý tưởng để phát huy năng lực. Thêm vào đó, khâu chuẩn bị về vận hành, sản xuất được quan tâm từ sớm nên nên anh em kỹ sư ở đây rất có kinh nghiệm. Chính vì vậy, chúng tôi hiểu rất rõ từng thiết bị trong các tổ máy nên việc vận hành rất thuận lợi.
Nói về đội ngũ kỹ sư trẻ, anh Bùi Xuân Hòa kể thêm, từ năm 2007-2008, khi dự án bắt đầu triển khai lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí đã giao cho công ty đến tận nhiều trường đại học để tuyển những sinh viên suất sắc, đưa đi đào tạo thực tế để hình thành một đội ngũ cán bộ trẻ làm chủ toàn bộ nhà máy".
Rồi anh Hòa vỗ vai một kỹ sư trẻ ngồi bên, tự hào nói: "Với quan điểm đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề, kỷ luật lao động cho đội ngũ CBCN vận hành, sửa chữa nghiệp từ những ngày đầu. Thực sự, bây giờ chúng tôi có quyền tự hào khi Thủy điện Hủa Na đang sở hữu một đội ngũ kỹ sư trẻ, giàu nhiệt huyết và chuyên nghiệp.
Đến thăm phòng sửa chữa, chúng tôi tiếp tục chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc và chuyên nghiệp như đội vận hành. Đội sửa chữa gồm 15 kỹ sư thì anh Hòa lần lượt giới thiệu khá kỹ "lý lịch" từng người, có nhiều chuyện cũng vui đáo để. Ví như chuyện cả đội sửa chữa 15 người thì có đến 8, 9 anh là… chưa lấy vợ. Thậm chí nhiều anh còn hỏi tếu: "Làm sao để lấy được vợ?".
Tinh thần, năng lực làm việc của anh em kỹ sư nơi đây thì không cần nói thêm nhiều. Chỉ có điều, về mặt đời sống tinh thần ngoài chuyện xa gia đình đã đành thì khó khăn lớn nhất đối với anh em nơi đây là địa hình rừng núi hiểm trở, lại xa thị trấn đến mấy chục cây số nên có mua bán, hay đi đâu cũng rất khó. "Hết việc, anh em lại về ban điều hành quây quần trò truyện, chơi thể thao, câu cá cho đỡ buồn thôi. Ở nơi xa xôi thế này, chuyện "lấy vợ" nghe mà "xa xỉ" lắm", một kỹ sư trẻ nói vui.
Được phong là "nhân vật đặc biệt", đồng thời là bóng hồng duy nhất của nhà máy, đó là chị Trần Thị Bích Đào làm bộ phận xét nghiệm hóa dầu. Nhiều anh em nói vui chị là bác sĩ "xét nghiệm máu", "bắt bệnh" cho nhà máy. Nhiệm vụ của chị Đào là phân tích đánh giá chất lượng của dầu. Vì chất lượng tốt hay xấu đều có sự ảnh hưởng đến quá trình làm việc của máy móc, thiết bị trong nhà máy để từ đó kịp thời xử lý.
Lúc gặp chị, câu đầu tiên tôi hỏi là vì sao thân gái mà chị "liều lĩnh" về làm việc tại nơi xa xôi như thế? Chị cười hiền lành rồi bảo, thuyền theo lái mà, mình may mắn còn có chồng con bên cạnh động viên, an ủi nữa. Chị thú nhận, ngày mới vào công trường, xung quanh rậm rịt cây rừng, công việc gian khổ, điều kiện ăn ở khó khăn, chị không khỏi ngần ngại. Nhưng rồi cũng sớm thích nghi và hòa nhập bởi công trường tập trung cũng toàn công nhân, kỹ sư trẻ, ngoài công việc khẩn trương, gấp gáp thì đời sống tập thể trong môi trường chuyên nghiệp cũng làm chị cảm thấy hài lòng.
Chồng chị Đào công tác bên bộ phận vận hành, do tính chất công việc công ty đã tạo điều kiện cho vợ chồng chị cùng cậu con trai mới 5 tháng tuổi về đây sinh sống ở ngay gần nhà máy.
Câu chuyện của chị Đào hay những anh em khác chỉ là trong số rất ít những câu chuyện của những người làm công tác sửa chữa, vận hành tại Thủy điện Hủa Na. Có thể câu chuyện của chị chưa phải là câu chuyện điển hình nhất nhưng dẫu có thế nào, ở họ đều mang một điểm chung: Không vì quyền lợi riêng, cống hiến sức trẻ vì mục tiêu vận hành nhà máy được an toàn, hiệu quả, phục vụ lợi ích đất nước.